CÂU CHUYỆN BẤT NGỜ VỀ 5 “TƯỢNG ĐÀI’’ NỔI TIẾNG TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
12:00, 11/09/2023

Những câu chuyện về các ‘’tượng đài’’ trong thị trường tài chính luôn đem lại cảm hứng cho các nhà đầu tư mới. Dù có nguồn gốc khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung – thành công vượt bậc. Những câu chuyện này một lần nữa cho thấy thị trường tài chính là nơi không điều gì là không thể đối với bất kỳ ai!

EDWARD ARTHUR SEYKOTA: CHA ĐẺ CỦA HỆ THỐNG MUA BÁN CHỨNG KHOÁN TỰ ĐỘNG

Seykota sinh ra trong một gia đinh nhập cư từ Hà Lan sang Mỹ. Lúc 5 tuổi, cậu bé Saykota đã biết đổi một tấm huy hiệu màu mạ vàng với người hàng xóm để lấy 5 miếng kính lúp. Seykota là cha đẻ của hệ thống giao dịch chứng khoán tự động. Ngay từ lúc khỏi nghiệp kinh doanh chứng khoán vào những năm 1970s, ông đã rất thích thú với ý tưởng hệ thống kiếm tiền tự động và phân tích kỹ thuật. Ông đã phát triển thuật toán và lập trình giao dịch tự động. Lợi nhuận đạt được từ một tài khoản của khách hàng của ông cho đến nay vẫn là một kỷ lục. Robot giao dịch của Seykota đã tạo ra mức lợi nhuận 250 000 % trong khoảng thời gian từ 1972 đến 1988, tức là vị khách hàng may mắn này đã thu được 15 triệu USD từ 5000 USD đầu tư ban đầu. Thành công này khó có thể giải thích bằng may mắn, thực sự thuật toán ông sử dụng quá hiệu quả và ổn định.

Ông nói: “5 quy tắc nằm lòng của tôi là: Cắt lỗ, Mua thêm cổ phiếu đang lên giá, Mua ít một, Tuân thủ các quy tắc và Biết khi nào phải phá bỏ quy tắc.”

INGEBORGA MOOTZ: TRIỆU PHÚ TUỔI “BÀ”

 

Nếu Edward Seykota bắt đầu kinh doanh từ lúc 5 tuổi thì Ingeborga Mootz lại bắt đầu từ tuổi làm bà. Một số bà làm bánh nướng bánh trong khi một số giao dịch chứng khoán và trở thành triệu phú. Ingeborga Mootz trở thành triệu phú ở tuổi 96 tuổi, 15 năm trước đó bà chỉ là một góa phụ bình thường. Giờ đây bà là một trong những người nổi tiếng nhất ở Đức.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, và kết hôn vào năm 17 tuổi với mục đích thoát nghèo - nhưng điều đó đã không khiến bà cảm thấy nhẹ lòng. Đến năm 75 tuổi, bà phải cầu xin chồng từng đồng để tiêu xài. Bất cứ khi nào bà cố gắng tìm một công việc, chồng bà thường chì chiết, gọi bà là một bà già ngu ngốc, không kiếm được tiền. Đến một ngày không thể chịu được bà đã phải thốt lên: “Nếu ông nghĩ rằng tôi không thể làm việc, thì tôi sẽ giao dịch trên thị trường chứng khoán!” và bà đã không nói dối.

Cơ hội đến sau cái chết của chồng, Bà Mootz đã tìm thấy 1000 cổ phiếu của công ty ông đã từng làm việc trong suốt cuộc đời. Bà quyết định mạo hiểm và chấp nhận rủi ro để chấm dứt nghèo đói. Đó là một quyết định đúng đắn vì trong 8 năm đầu tiên giao dịch, người phụ nữ đầy nghị lực này đã kiếm được hơn 500 000 Euro!

Bà được ngưỡng mộ vì phong cách giao dịch của mình, đó là không sử dụng các thiết bị hỗ trợ hiện đại, Internet, hay các tín hiệu được đề xuất trên thị trường. Tất cả những gì bà cần biết là thông tin từ những tờ báo giấy truyền thống vào buổi sáng.

Nếu bạn tò mò muốn biết làm thế nào chiến lược này có thể mang lại hàng triệu euro cho một lão bà, hãy đọc cuốn sách do chính bà làm tác giả: Borsenkrimi hay “Thám tử thị trường chứng khoán” (Stock market detective).

Châm ngôn của bà Ingeborga Mootz: “Mua rẻ, bán đắt”

NASSIM TALEB: THIÊN NGA ĐEN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Nassim Taleb đã đưa ra một trong những lý thuyết thú vị và gây tranh cãi nhất trong giới kinh doanh chứng khoán - Lý thuyết Thiên nga đen, hay lý thuyết về các sự kiện khó xảy ra.

Sinh ra ở Lebanon, trong gia đình tín đồ chính thống Hy Lạp, Taleb khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh chứng khoán sau khi tốt nghiệp tại Đại học Paris. Càng nghiên cứu các số liệu thống kê, ông càng bị thuyết phục rằng toàn bộ hệ thống tài chính hiện tại là một thùng thuốc nổ đã sẵn sàng nổ tung.

Nassim Taleb trở nên thực sự nổi tiếng sau khi xuất bản cuốn sách The Black Swan. Theo Taleb, gần như tất cả các sự kiện có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường là hoàn toàn không thể đoán trước. Đa số các nhà quản lý rủi ro đang dùng thông tin quá khứ để dự đoán tương lai, nhưng quá khứ không thể là nền tảng cho bất cứ điều gì có thể xảy đến trong tương lai. Ví dụ, con gà tây được nuôi dưỡng tử tế trong 1000 ngày và không nghĩ rằng sẽ bị thịt vào ngày 1001 cho bữa tối trong Lễ Tạ ơn - nhưng điều đó sẽ xảy ra. Đối với chú gà tây, bị giết vào ngày thứ 1001 là hiện tượng Thiên nga đen, nhưng không phải là Thiên nga đen đối với người bán thịt. Vì vậy, quản lý rủi ro truyền thống mà các cơ quan chính phủ và các công ty đang áp dụng là vô ích. Lý thuyết này đã trở nên phổ biến sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Với chiến lược mua bán dựa trên nền tảng bảo vệ nhà đầu tư trước khủng hoảng và thu lợi nhuận lớn từ những sự kiện hiếm xảy ra, sự nghiệp của Taleb được ví như những canh bạc với các giải độc đắc. Ví dụ vào ngày Thứ Hai đen tối, ngày 19 tháng 10 năm 1987, sau khi Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm 22,6%, Taleb đã thu về lãi 40 triệu đô la.

Nassim Taleb chia sẻ: “Tôi biết lịch sử thường được khắc bằng những sự kiện hiếm khi xảy ra. Tôi chỉ không biết sự kiện đó là sự kiện nào mà thôi”

GEORGE SOROS: NGƯỜI LÀM NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG ANH QUỐC PHÁ SẢN

 

Soros có lẽ được biết đến như một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất mọi thời đại. Sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Hungary, ông sống lay lắt trong khi Hungary bị Đức Quốc xã chiếm đóng. George vừa học vừa làm nhân viên khuân vác đường sắt và người phục vụ trong hộp đêm để kiếm từng hào.

Sau khi anh chuyển đến New York và làm việc cho một số công ty môi giới chứng khoán ở Phố Wall, cuộc sống thực sự của thiên tài tài chính bắt đầu. Ông nổi tiếng vì là người làm Ngân hàng Trung Ương của Anh phá sản năm 1992, bằng cách đặt cược rất lớn vào bảng Anh, qua đó ông đã kiếm được một tỷ đô la chỉ trong một đêm.

Soros còn được gọi là nhà từ thiện hàng đầu thế giới, một tỷ phú có tấm lòng thiện nguyện đã sử dụng tài sản của mình thành lập Quỹ Tổ chức Xã hội Mở - mạng lưới rộng lớn gồm các tổ chức, đối tác, dự án tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu.

Năm 2018, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đã công nhận ông Soros là Nhân vật của năm. Tạp chí cho biết, quyết định này không chỉ dựa trên thành tích của Soros, mà còn dựa trên các giá trị mà ông đại diện với tư cách là nhà một nhà triết học và nhà từ thiện.

RICHARD DENNIS: HOÀNG TỬ CỦA SÀN GIAO DỊCH

 

Câu chuyện về Dennis là một câu chuyện huyền thoại có khả năng nhen nhóm ngọn lửa đam mê cho các nhà kinh doanh chứng khoán đến tận ngày nay. Giàu có một cách đáng kinh ngạc, một thiên tài và là nhà tiên phong trong giao dịch hàng hóa.

Ông sinh ra ở phía nam Chicago trong một gia đình người nghèo gốc Ireland. Ông bắt đầu với công việc đưa lệnh trực tiếp trên sàn giao dịch của Sàn giao dịch Chicago Mercantile ở tuổi 17 - và sau đó đã biến một khoản vay 1.600 USD thành thành khoản lãi 200 triệu USD bằng mua bán hàng hóa tại sở giao dịch ở tuổi 23.

Ông nổi tiếng với thí nghiệm “Những con rùa”, theo đó ông đã huấn luyện một nhóm người (những con rùa) trong hai tuần. Thí nghiệm kết thúc sau 5 năm và kết quả là “Những chú rùa” đã đã kiếm được tổng lợi nhuận 175 triệu USD.

Dennis là người giao dịch theo xu hướng. Ông ưa thích tìm một xu hướng và đặt ngày càng nhiều giao dịch theo hướng của xu hướng đó với mức đòn bẩy ngày càng cao - để trong trường hợp may mắn, ông sẽ kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.

Richard Dennis chia sẻ: “Khi bạn có một vị thế nghĩa là bạn có lý do để mở vị thế đó, và bạn phải giữ vị thế cho đến khi lý do đó không còn phù hợp”

Trên đây là một số câu chuyện về các tượng đài trong lĩnh vực tài chính. Hy vọng rằng thông qua bài viết trên, các nhà đầu tư mới sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích, cũng như tìm được nguồn hứng khởi để tiếp tục trau dồi kiến thức và vững tâm trên chặn đường đầu tư.